Người Việt chúng ta vốn coi trọng tín ngưỡng tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, trong suốt dịp Tết nguyên đán, trước khi làm Lễ tạ (lễ Khai hạ), các vị thần linh và những bậc gia tiên luôn luôn ngự trên ban thờ mỗi nhà, họ về ăn Tết cùng con cháu, gia chủ. Gia chủ cúng dâng lên họ những thức Tết, tiền vàng cùng những vật dụng giống như ở cõi trần. Lẽ hiển nhiên, phải có một ngày lễ để có thể hạ những đồ cúng kiếng từ ban thờ xuống cũng như tiễn thần linh và gia tiên về với thế giới của họ, sau quãng ngày Tết.
Lễ khai hạ theo lẽ đó mà trở thành một nghi thức kết thúc chuỗi ngày lễ Tết. Có thể nói, lễ khai hạ góp một phần khá đặc biệt vào sự thiêng liêng của những ngày Tết nguyên đán. (Ảnh: Internet)
Ngày lễ khai hạ là một trong những ngày lễ đặc biệt thể hiện lòng biết ơn của người Việt đối với Trời, Phật, Thần linh và gia tiên, sau một năm đã trở về "ăn Tết" cùng gia đình, để chứng giám cho lòng thành, sự hòa thuận đầm ấm của gia đình đó. Lễ khai hạ mang trong mình cội nguồn văn hóa và tâm lý dân tộc, nó nhắc nhớ cho những thế hệ tiếp nối về nguồn cội và ý thức tự giác từ trong tâm.
Với những gia đình buôn bán, ngày mùng 7 Tết họ làm cỗ cúng lễ để cầu buôn may bán đắt, làm ăn phát đạt trong năm mới. (Ảnh: Internet)