Từ lâu, Bánh Chưng - Bánh Tét đã được biết đến là hai món bánh biểu tượng không thể thiếu của mỗi gia đình Việt mỗi dịp Tết đến xuân về. Các cụ từ lâu đã nói: "Thấy Bánh Chưng là thấy Tết" quả không sai, bởi lẽ chỉ cần được thưởng thức hương vị thơm lừng của lá chuối, lá dong hòa quyện cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, gạo nếp xen lẫn chút béo ngậy của thịt ba rọi, ta dường như đã thấy Tết đang kề cận thật gần. Cứ vào những ngày giáp Tết, mỗi gia đình Việt lại có thói quen nấu Bánh Chưng - Bánh Tét như một nét đẹp truyền thống lâu đời.
Miền Bắc có Bánh Chưng, miền Nam và miền Trung đón Tết với Bánh Tét. (Ảnh: Internet)
Có từ thời vua Hùng thứ 6, Bánh Chưng song hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn ngày Tết ở Bắc Bộ. Trong mâm cỗ đón xuân ngày nay, những chiếc Bánh Chưng xanh vuông vắn khiến ta nhớ đến sự tích bánh chưng, bánh dày tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa.
Bánh Chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói trong lá dong ... (Ảnh: Internet)
Để chiếc bánh vuông đẹp, "chín rền" thì lúc gói phải "đỗ trong gạo, gạo trong lá", gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu, miếng bánh sau khi cắt nhân đỗ, thịt nạc luôn cân đối ở tất cả các phần. Tết cổ truyền và hình ảnh những chiếc Bánh Chưng xanh là nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc Việt. (Ảnh: Internet)
Qua hình dáng chiếc Bánh Chưng Bánh Dày, không thể không liên tưởng đến ý nghĩa của hai chữ "vuông tròn" trong ngôn ngữ ta. Phát xuất từ quan niệm nguyên thuỷ về sự sinh thành, tổ tiên ta đã khéo lựa chọn hai thứ phẩm vật tượng trưng dùng trong việc cúng lễ trời đất, ông bà đã nhắc đến tư tưởng hòa hợp của hai hình thể: "rỗng" và "đặc", "vuông" và "tròn". Tuy tương khắc nhau như "trời" và "đất", "đàn ông" và "đàn bà", chúng có thể và phải kết hợp với nhau theo lẽ "trời đất phát dục vạn vật" như lời dạy của thần nhân cho Lang Liêu. "Lẽ vuông tròn" đó nói lên sự tốt đẹp trong tình nghĩa vợ chồng và trong mối quan hệ như câu thơ của Nguyễn Du:
"Khuôn thiêng biết có vuông tròn hay chăng?"
hay câu:
"Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông"
Bánh Chưng gợi nhớ đến Tết hay Tết gợi nhớ đến việc gói Bánh Chưng. Có lẽ, sự hòa quyện đó đã trở thành một biểu trưng văn hoá của dân tộc Việt - Bánh Chưng biểu trưng cho Tết.
Bánh Tét - "linh hồn" của người Nam Bộ
Từ bao đời nay, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về trên mâm cỗ của mỗi gia đình người dân Nam Bộ đều không thể thiếu món Bánh Tét. Loại bánh này từ bao đời nay đã trở thành "linh hồn Tết" của người Nam Bộ. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng có cặp Bánh Tét trên bàn thờ để dâng lên tổ tiên. Bánh Tét được gói bằng lá chuối với nhân gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn nhưng được gói thành hình trụ dài. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng thêm hạt điều, nhân chay hoặc nhân ngọt để làm phong phú thêm món ăn này.
Mang ý nghĩa của sự hội tụ tinh hoa đất trời, Bánh Tét là món ăn không thể thiếu trong tất cả các mâm cỗ ngày Tết của các tỉnh miền Trung, miền Nam. (Ảnh: Internet)
Tại Đồng bằng Sông Cửu Long có rất nhiều làng Bánh Tét nổi tiếng ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, … Từng địa phương lại có các cách chế biến ra đòn Bánh Tét khác nhau. Ở Tiền Giang, khi làm Bánh Tét nhân mỡ, các bà lấy mỡ ướp với tí đường, củ hành tím rồi phơi trong thau nhôm chừng 5 - 6 tiếng. Ngoài Bánh Tét nhân mỡ ở Tiền Giang, người ta cũng còn làm Bánh Tét có nhân là thịt ba rọi, tôm khô và hột vịt. Do nếp được ngâm nước lá dứa nên khi ăn bánh có mùi thơm nhẹ. Ở Bến Tre còn có loại Bánh Tét không nhân. Bánh được làm toàn bằng nếp trộn chung với đậu đen hay đậu phộng và nước cốt dừa, ăn rất béo và thơm.
Còn Bánh Tét Trà Cuôn (Trà Vinh) phần nếp bánh lại có màu xanh, nhân đậu xanh, trong cùng là thịt mỡ và hột vịt muối. Qua tìm hiểu, tham khảo, nhiều thực khách đều thừa nhận, không ở đâu lại có Bánh Tét ngon như ở Trà Cuôn. Nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên không sử dụng phẩm màu thay thế. Màu xanh của gạo được sử dụng từ nước lá Bồ Ngót, kết hợp với lá Dứa, tạo ra hương thơm thanh nhẹ. Nhân bánh là sự kết hợp giữa đậu xanh với thịt và trứng muối tạo vị béo ngậy hoặc Bánh Tét nhân chuối, có vị ngọt tự nhiên của quả chuối cũng khá lạ miệng. Nếp làm bánh phải làm từ nếp Long An mới có được độ dẻo, độ xốp cần thiết. Đậu xanh phải được đãi vỏ nhiều lần trước khi trộn với thịt, mỡ heo để làm nhân. Riêng tôm khô phải sử dụng tôm đất có từ biển Trà Vinh mới có mùi vị thơm ngon và màu hồng đẹp mắt. Phần làm trứng vịt muối cũng lắm kỳ công và phải muối đúng cách, đúng thời gian mới đạt chuẩn. Công đoạn khó nhất là việc "tạo màu" vào nếp nấu chín để có được những đòn Bánh Tét đẹp, bắt mắt, thơm ngon. Theo những người sành ăn, sau khi lột lớp lá ra, người dùng lấy sợi chỉ để cắt bánh thành từng khoanh để bánh không bị bung ra như dùng dao.
Trong không khí ấp ám, sum vầy, trong các mâm cơm của người miền Nam không thể thiếu Bánh Tét. Bánh được ăn cùng với dưa món, tôm khô, thịt kho, thịt chà bông, … đã trở thành nét truyền thống của mỗi gia đình người dân Nam Bộ. (Ảnh: Internet)
Bánh Chưng - Bánh Tét không chỉ đơn thuần là một món ăn ngày Tết mà còn là sợi dây kết nối hiện tại và quá khứ, là sự chuyển giao giữa các thế hệ để không ngừng tiếp nối và phát triển nét đẹp văn hóa của dân tộc. Hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi Bánh Chưng - Bánh Tét, cùng nhau đón giao thừa đã trở thành một hình ảnh đẹp in sâu vào tiềm thức mỗi người con nước Việt.