Trong 28 đời Tổ sư Thiền tông của Ấn Độ, Bồ Đề Đạt Ma là vị Tổ cuối cùng của nước Ấn Độ và là Tổ có công lao to lớn đưa dòng Thiền về các nước phương Đông trong đó có Việt Nam. Xung quanh hình ảnh vị Phật tổ gánh chiếc dép đi khắp nhân gian có rất nhiều huyền thoại bí ẩn...
Hòa thượng Thích Viên Thanh - Trụ trì Thiền viện Vạn Hạnh thực hiện các bức vẽ.
Thầy chia sẻ: “Cũng có thể coi hội họa như một pháp tu để tu Thiền và ngộ Thiền. Nó như một phương tiện hữu vi dùng trong việc biểu đạt các nội dung Phật pháp. Qua sự lĩnh nhận, khả kiến ngôn ngữ hội họa, người tu Thiền và hành Thiền còn có thể hoằng dương Phật pháp một cách hữu hiệu thông qua cái đẹp của mỹ thuật”.
Không gian trưng bày những bức tranh vẽ Tổ sư Đạt Ma do HT.Thích Viên Thanh thực hiện tại Thiền viện Vạn Hạnh. - Ảnh VietKings
Với ý niệm hoằng pháp và hành Thiền cùng cảm hứng hội họa đặc biệt với Tổ sư Đạt Ma, Hòa thượng Thích Viên Thanh tạo nên những bức vẽ Đạt Ma vô cùng phong phú ở cấu trúc, màu sắc, không gian, cả tư tưởng. Đối với Thầy, những bức tranh ấy là phương tiện mà Thầy “mượn từ trần duyên để hướng tâm đến con đường Phật đạo, liễu ngộ chân nguyên diệu pháp Hoa Nghiêm”.
Mỗi bức tranh Tổ sư Đạt Ma là một cái tôi khác của tác giả. Mỗi sắc vàng, sắc lam, sắc nâu... là một cuộc tu sửa để chuyển hóa bản thân. Mỗi ý niệm là một ẩn dụ về giải thoát tối thượng, một dự ngôn quay về cội nguồn tỉnh thức tự tánh vô ngại của mọi hiện tượng, an tĩnh thể nhập chân trời Bát Nhã: tự do, tĩnh lạc, an nhiên nở đóa tâm hoa. (Theo Trịnh Chu)
Qua nét vẽ, màu sắc trong từng bức tranh, có thể nói Hòa thượng Thích Viên Thanh đã thiết lập, tạo cho hình tượng Tổ sư Đạt Ma một đời sống khác, khởi từ nội tâm của tác giả. Các tác phẩm vì thế bên cạnh mang tới cho người xem những cảm quan trực giác, còn đánh thức những tâm lý ẩn sâu trong tiềm thức mỗi người.
Hòa thương Thích Viên Thanh tại căn phòng nhỏ, nơi Thầy dành thời gian cho những bức vẽ về Tổ sư Đạt Ma
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - Tổng Thư ký VietKings đại diện tới Thiền viện Vạn Hạnh để kiểm tra Bộ tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma do HT.Thích Viên Thanh thực hiện
Chia sẻ về quá trình thực hiện với đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Hòa thượng cho biết: “Nhiều đêm đang ngủ, tôi chợt thức giấc, lại cầm cọ vẽ Tổ sư Đạt Ma. Mỗi ngày tôi thường vẽ 1 - 2 bức tranh Tổ sư Đạt Ma. Cũng có ngày tôi vẽ 3 - 4 tác phẩm, vẫn là vẽ Tổ sư Đạt Ma. Tuy vậy, nhiều khi 3 - 4 ngày, tôi mới vẽ được 1 bức tranh”.
Tính đến nay, Hòa thượng Thích Viên Thanh đã có hơn 10 năm vẽ hình tượng Tổ sư Đạt Ma.
Bộ tranh hiện được trưng bày trang trọng trong khuôn viên Thiền viện Vạn Hạnh – TP.Đà Lạt để phục vụ nhân dân và Phật tử.
Sau quá trình thẩm định và ghi nhận trực tiếp của Viện Kỷ lục Việt Nam, vào ngày 31/5/2023 (nhằm ngày ngày 13.4.Quý Mão), tại Thiền Viện Vạn Hạnh (Tp. Đà Lạt) đã diễn ra sự kiện trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Hòa thượng Thích Viên Thanh - Trụ trì Thiền viện Vạn Hạnh. Thầy được ghi nhận Kỷ lục là Người thực hiện bộ tranh vẽ Bồ Đề Đạt Ma bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố để trưng bày trong Chùa nhiều nhất Việt Nam với số lượng 1.012 bức tranh.
Tham dự sự kiện, về phía TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, có sự tham dự của Ông Phùng Quý Ngọc - Thành viên Hội đồng Xác lập Kỷ lục Việt Nam và Ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam.
Ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam đại diện công bố Quyết định xác lập Kỷ lục tại buổi lễ
Ông Phùng Quý Ngọc - Thành viên Hội đồng Xác lập Kỷ lục Việt Nam và Ông Dương Duy Lâm Viên - Tổng Thư ký TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam cùng trao Kỷ lục Việt Nam đến Hòa thượng Thích Viên Thanh.
Thiền viện Vạn Hạnh tọa lạc tại 142 Phù Đổng Thiên Vương, TP.Đà Lạt.
Thiền viện Vạn Hạnh - Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố Đà Lạt ngàn hoa. Thiền viện Vạn Hạnh được xây dựng từ năm 1952. Lúc bấy giờ nơi đây có tên là Niệm Phật Đông Thành. Năm 1957 đổi tên thành Khuôn Hội Vạn Hạnh. Năm 1964 thì lấy tên là chùa Vạn Hạnh và bắt đầu xây dựng chánh điện. Đến năm 1992 nơi đây đổi tên thành Thiền viện Vạn Hạnh.