Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52 “Đủ nắng hoa sẽ nở – Đủ tầm nhìn thấy cơ hội”: Trao tặng Top đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam đến các đơn vị

24-05-2023

(VIETKINGS-kyluc.vn) Trong năm 2022 - 2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp cùng Tổ chức Niên lịch và Thành tựu Việt Nam (WOWTIMES), đơn vị trực thuộc TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam triển khai Hành trình tìm kiếm và vinh danh Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam (Lần I, Năm 2023). Tại sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 52 diễn ra ngày 20/5/2023 vừa qua, một số đơn vị đã đón nhận bằng ghi nhận và tôn vinh Niên lịch Việt Nam trên 100 năm.

 

Hành trình tìm kiếm và vinh danh Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam là một trong những hoạt động nổi bật được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) phối hợp cùng Tổ chức Niên lịch và Thành tựu Việt Nam (WowTimes), đơn vị trực thuộc TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam triển khai. Hành trình nhằm ghi nhận Niên lịch các đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển từ 100 năm trở lên, ghi nhận Thành tựu mà các đơn vị đã cống hiến và đạt được xuyên suốt trong quá trình hoạt động. 

 

 

VIETKINGS VINH DANH CÁC ĐƠN VỊ TRÊN 100 TUỔI CÒN HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM TẠI HỘI NGỘ THƯỜNG NIÊN

Ngày 20/5/2023, sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 52 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị 272 (272 Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, TP.HCM). Sự kiện vinh dự đón tiếp Lãnh đạo Liên minh Kỷ lục Thế giới – WorldKings; Hiệp hội Kỷ lục Thế giới – WRA, đại diện lãnh đạo Trung ương và địa phương, các Tổ chức Kỷ lục Quốc gia, Lãnh đạo TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Lãnh đạo 15 Hội và Hiệp hội trong cả nước các cơ quan thông tấn báo chí cùng cộng đồng Kỷ lục gia trong cả nước về tham dự. 

 

Sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 52 diễn ra với chủ đề "Đủ nắng hoa sẽ nở – Đủ tầm nhìn thấy cơ hội"

 

Trong khuôn khổ sự kiện, đại diện 8 đơn vị trên lịch sử hình thành và phát triển trên 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam đã vinh dự đón nhận bằng Xác lập Niên lịch và Thành tựu.

 

 

1. Chợ Bến Thành - TP.Hồ Chí Minh

Được khởi công xây dựng từ năm 1912 và đi vào hoạt động vào năm 1914Chợ Bến Thành không chỉ đơn thuần là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà đã trở thành một trong những biểu tượng về kiến trúc, văn hóa, du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Chợ Bến Thành đã tồn tại hơn 100 năm qua, trở thành biểu tượng của Thành phố mang tên Bác

 

Ông Trần Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Ông Bùi Nguyên Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và Bản quyền Tác giả Việt Nam, Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng Niên lịch đến Ông Lê Minh Hiệp – Phó Ban quản lý Chợ Bến Thành tại Hội ngộ. 

 

2. Continental Saigon Hotel - TP.Hồ Chí Minh

Tọa lạc tại 132-134 Đồng Khởi, Khách sạn Continental là một trong những khách sạn có tuổi đời lâu đời nhất Việt Nam. Khách sạn khởi công xây dựng năm 1878 và đi vào hoạt động vào năm 1880, mang phong cách trang nhã, phảng phất đường nét tinh tế của kiến trúc Pháp cổ, tạo nên cảm giác bình yên, độc đáo ngay giữa lòng thành phố năng động, nhộn nhịp.

 

Là khách sạn lâu đời, nơi đây mang trong mình giá trị lịch sử độc đáo, riêng biệt, là Biểu tượng cho sự thịnh vượng và đẳng cấp của Thành phố mang tên Bác.

 

Bà Trần Quỳnh Chi – Trưởng phòng Kinh doanh tiếp thị đại diện Khách sạn Continental đón nhận bằng Niên lịch

 

3. Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng được khởi công xây dựng vào năm 1885 với mục đích sử dụng làm Bảo tàng Thương mại trưng bày sản phẩm Nam Kỳ. Sau 1975, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là nơi trưng bày các hiện vật liên quan đến tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Suốt 138 năm qua, nơi đây đã chứng kiến và lưu giữ Lịch sử Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh

 

 Hồ Thị Ngọc Bình – Phó Giám đốc Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận bằng Niên lịch

 

4. Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 

Trường Đại học Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh là Trung tâm đào tạo mỹ thuật lớn phía Nam và cả nước, là một trong những trường có bề dày lịch sử lâu đời, trên 100 năm hình thành và phát triển. Hàng năm nhà trường luôn cải tiến, hoàn thiện và nâng cao tính học thuật, đúc kết kinh nghiệm, chú trọng hiệu quả, chất lượng của quá trình đào tạo gắn kết với xã hội, từ đó làm phương pháp khoa học cho việc hình thành bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật cho sinh viên và học viên.

 

Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tiền thân là Trường vẽ Gia Định được thành lập năm 1913. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, Trường đã đào tạo nhiều thế hệ Họa sĩ, Nhà điêu khắc tài năng và trở thành một trong những Trung tâm Đào tạo Mỹ thuật hàng đầu cả nước.

 

Thầy Lê Văn Duẩn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đại diện đón nhận bằng Niên lịch

 

5. Thương hiệu Nhị Thiên Đường

Tại khu vực Chợ Lớn từng phổ biến bài đồng dao: "Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá". Bài đồng giao có nhắc tới Dầu Nhị Thiên Đường - một thời từng được người dân gọi là “dầu trị bá bệnh”. Dầu Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc Nhị Thiên Đường của người Quảng Đông do gia đình họ Vi sáng lập. Ban đầu chỉ xuất hiện ở những khu vực có người gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, sau lan dần ra vì người Việt dùng rất nhiều, đây là một trong những sản phẩm rất lâu năm ở Việt Nam, có cơ sở khác ở Malaysia, Singapore… Sau nhiều thăng trầm biến động, đến năm 2012, thương hiệu Dầu Nhị Thiên Đường chính thức được doanh nhân Lê Thị Giàu (Việt Nam) mua lại và tiếp nối với tên gọi Công ty CP Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường.

 

Dầu Nhị Thiên Đường đã có hành trình 118 năm thăng trầm trong quá trình hình thành và phát triển

 

Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch Công ty CP Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường đón nhận bằng xác lập giá trị Niên lịch

 

6. Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, tại khu vực tỉnh Gia Định lúc bấy giờ, người Pháp cho xây dựng Hôpital de Gia Dinh – tiền thân của bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày nay.  Hiện tại, Bệnh viện Nhân dân Gia Định là một trong những Bệnh viện Đa khoa loại I trực thuộc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh. Với đội ngũ Y, Bác sĩ chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm, Bệnh viện có đủ các chuyên khoa lớn, nhiều phân khoa sâu, trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Với quy mô lớn 1.500 giường, hàng ngày Bệnh viện phục vụ khoảng 1.500 bệnh nhân nội trú, hơn 4.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh và hơn 300 lượt bệnh nhân cấp cứu. Bên cạnh việc khám chữa bệnh cho nhân dân sinh sống trên địa bàn thành phố (các quận trong tuyến: Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, một phần của Quận I và các quận ngoài tuyến: Thủ Đức, Quận 2, 9, 12…), bệnh viện còn tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh lân cận như Đồng Nai. Bình Dương, Vũng Tàu và một số tỉnh miền Trung.

 

Suốt 107 năm qua, Bệnh viện Nhân dân Gia Định luôn nỗ lực xây dựng giá trị “An toàn - Hiệu quả - Trách nhiệm”

 

 BS Nguyễn Hồng Hải - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng Bệnh viện Nhân dân Gia Định đại diện đón nhận bằng Niên lịch

 

7. Bênh viện Chợ Rẫy

Vào năm 1900, bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng và thành lập với tên là Hôpital Municipal de ChoLon tại Sài Gòn. Đây là một trong những cơ sở y tế của Pháp thành lập ở Việt Nam sớm nhất cùng với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thành lập vào năm 1891, Viện Pasteur Nha Trang thành lập vào năm 1895. Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng trên nền đất cao có diện tích trên 50.000m2 với các tòa nhà kiểu pháp, cao 2 tầng, vốn trước đây là chợ mua bán của người Hoa, có tên là chợ Rẫy và từ đó, người dân vẫn quen gọi là bệnh viện Chợ Rẫy và tên này được dùng chính thức cho đến ngày nay.

Sau ngày đất nước thống nhất đến nay, Bệnh viện luôn giữ vững sự ổn định và phát triển, quản lý và vận hành tốt bệnh viện đồng bộ và hiện đại, với kỹ thuật và công nghệ luôn được đổi mới và áp dụng, đội ngũ thầy thuốc và nhân viên có đủ trình độ và đạo đức nghề nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng bệnh viện, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân khu vực phía Nam, cả nước và người nước ngoài.

 

Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng và thành lập vào năm 1900, là Bệnh viện tuyến cuối hạng Đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến và triển khai nhiều dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Y tế

 

Bác sĩ CKII Đặng Hoàng Vũ - Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Chợ Rẫy đại diện đón nhận bằng Niên lịch tại Hội ngộ 52

 

8. Viện Pasteur Nha Trang (từ năm 1895)

Viện Pasteur Nha Trang được bác sĩ Alexandre Yersin thành lập năm 1895, là một cơ sở nghiên cứu và thực nghiệm khoa học quan trọng được xây dựng sớm nhất ở Thành phố Nha Trang.  Qua 128 năm, Viện đã một hành trình hình thành và phát triển, tạo ra những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực Y tế Dự phòng, Y tế Công cộng tại các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

 

Viện Pasteur Nha Trang đã có 128 năm hình thành và phát triển, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Y tế Dự phòng và Y tế Công cộng

 

Thạc sĩ Lê Hồ Phương Nga – Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang đón nhận bằng Niên lịch tại Hội ngộ

 

Hành trình Tìm kiếm và vinh danh Top 100 đơn vị 100 tuổi còn hoạt động tại Việt Nam (Lần I, Năm 2023) được triển khai nhằm tìm kiếm, xác lập Niên lịch các đơn vị có lịch sử hình thành và phát triển từ 100 năm trở lên, đồng thời ghi nhận Thành tựu mà các đơn vị đã cống hiến và đạt được xuyên suốt trong quá trình hoạt động. 

 

08 đơn vị, thương hiệu trên 100 năm đón nhận bằng xác lập Niên lịch trong Hội ngộ Kỷ lục gia lần thứ 52

 

Bên cạnh đó, sự kiện Hội ngộ lần này đã trao 12 Đĩa vàng Sáng tạo và Cống hiến của Viện Kỷ lục Thế giới; 2 bằng Tiến sĩ Danh dự nhờ quá trình thực hành và thực chứng kết quả; 06 Kỷ lục Thế giới, 12 Kỷ lục Châu Á mới, trong đó nhiều địa phương chính thức đón nhận các Kỷ lục Châu Á về giá trị Ẩm thực và Đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ghi nhận trong năm 2022-2023.


Diệu Phi (VietKings)


 

content1
content2