NGƯỜI “GIỮ LỬA” CỦA LÀNG NGHỀ GỐM KIM LAN
Sinh ra ở “cái nôi của gốm”, cất tiếng khóc chào đời là biết mùi đất nung, không khó để lý giải vì sao Nghệ nhân ưu tú Đào Việt Bình lại dành tình cảm sâu nặng với nghề cổ trao truyền mà cha ông để lại tới vậy. Nghệ nhân Đào Việt Bình - Chủ tịch Hội gốm sứ xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội luôn ý thức cao về vai trò và sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ và duy trì “sức sống” nghề truyền thống của quê hương. Anh thường nói vui rằng cuộc đời mình thấm mùi của đất, nhuốm màu của men, bởi vậy mà gốm và người gắn bó với nhau như một duyên nợ không thể nào tách rời được.
Với nỗ lực của mình, anh đã và đang góp phần đưa thương hiệu gốm Kim Lan vượt qua biên giới quốc gia, hội nhập thị trường quốc tế, anh được coi là người “giữ lửa” của làng nghề gốm Kim Lan.
“HÙNG CA ĐIỆN BIÊN” - TÁC PHẨM THỐNG VUỐT TAY, MEN LAM TÁI HIỆN CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ
Tác phẩm Hùng ca Điện Biên của Nghệ nhân Đào Việt Bình được tạo hình là một chiếc Thống. Về cơ bản, thống mang hình dáng như một bình hút lộc, dáng thân phình, miệng rộng, hơi khum lại. Thường được làm từ sứ cao cấp tráng men. Thường là các dòng men truyền thống như men lam, men Lý, men dong cổ,… Thống được quan niệm là một vật phẩm cầu may, mang lại hạnh phúc, giúp gia chủ chiêu tài đón lộc.
Là một nghệ nhân làng gốm cổ Kim Lan, cũng là Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan, mỗi năm Nghệ nhân Đào Việt Bình thường phối hợp tổ chức những chuyến đi đến mọi miền Tổ quốc để tri ân những Anh hùng Dân tộc – những người đã ngã xuống để dành lại độc lập cho đất nước. Cuối năm 2022, trong chuyến đi Điện Biên, khi đến Đồi A1 và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, anh có một khao khát mãnh liệt về việc cho ra đời một tác phẩm tái hiện phần nào đó về cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ của dân tộc ta.
Chiếc thống gốm Hùng Ca Điện Biên vuốt tay được tạo hình công phu và mất 10 tháng để hoàn thành. (ảnh: VietKings)
Tác phẩm Hùng Ca Điện Biên được Nghệ nhân Đào Việt Bình bắt tay vào thực hiện từ đầu năm 2013, trải qua rất nhiều khó khăn thì đến tháng 10/2023 tác phẩm mới hoàn thành với tạo hình rất công phu, có kích thước cao 1,2m, đường kính 1,6 m.
Hoa văn trên tác phẩm tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ (ảnh: VietKings)
Toàn bộ bề mặt không vết nứt hoặc bị biến dạng. Màu men Lam là dòng men trong, đượm, mang sắc hồn dân tộc, với nét đẹp chuẩn mực và thần thái sang trọng càng làm tôn thêm vẻ hào hùng của tác phẩm.
Không chỉ là một tác phẩm gốm công phu được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, tác phẩm “Hùng ca Điện Biên” còn mang nhiều giá trị sâu sắc về Lịch sử, Văn hóa, Nghệ thuật - Mỹ thuật và tâm linh.
TÁC PHẨM ĐĨA GỐM KIM LAN, MEN HOÀNG TỘC TÁI HIỆN TÍCH “CỬU LONG NGƯ QUẦN HỘI”
Tác phẩm Đĩa gốm Tích cửu long ngư quần hội của Nghệ nhân Đào Việt Bình được tạo hình là một chiếc đĩa lớn có đường kính 1,6m. Đĩa có màu men Hoàng Tộc, tạo nên một vẻ đẹp sang trọng và uy nghiêm. Trong men Hoàng Tộc có sự kết hợp một số thành phần trong Thất Bảo (tức 7 thứ báu vật của Phật giáo hội tụ linh khí của đất trời là: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ) hoà quyện với nước sông Hồng khi nung qua lửa tạo ra một dòng men độc đáo, không chỉ được đúc kết từ các tinh tuý của Thiên - Địa - Nhân mà còn chứa đựng giá trị văn hoá tâm linh truyền thống của người Việt.
Tác phẩm Đĩa gốm tích Cửu Long Ngư quần hội (ảnh: VietKings)
Điểm độc đáo của tác phẩm Đĩa gốm này là hình ảnh 9 chú cá rồng thay vì những chú cá chép như các tác phẩm khác. Cá rồng được coi là loài cá cảnh đắt nhất trên thế giới bởi vì nó mang trong mình nét dáng giống với con rồng, với vảy cứng sáng ánh kim và phản chiếu màu sắc của cầu vồng, cũng như có hai “râu” trên môi. Cá rồng hiện nay đã trở thành biểu tượng quan trọng của sự thịnh vượng trong cuộc sống, phong thủy.
Thay vì sử dụng cá chép, Nghệ nhân Đào Việt Bình đã sử dụng hình ảnh 9 chú cá rồng mang đến sự độc đáo của tác phẩm. (ảnh: VietKings)
Tác phẩm Đĩa gốm Tích cửu long ngư quần hội không chỉ được đúc kết từ các tinh tuý của Thiên - Địa - Nhân mà còn chứa đựng giá trị văn hoá tâm linh truyền thống của người Việt. (ảnh: VietKings)
Đĩa gốm Tích cửu long ngư quần hội là một tác phẩm kỳ công, chứa đầu sự tâm huyết của nghệ nhân Đào Việt Bình. Ấn trong mỗi tác phẩm của ông không chỉ chứa đựng những giá trị về nghệ thuật và tâm linh sâu sắc. Mà trong đó còn chứa đựng khát vọng khôi phục làng gốm cổ Kim Lan, đưa Kim Lan gần hơn với mọi người.
XÁC LẬP KỶ LỤC VIỆT NAM
Vào sáng ngày 17/11/2023 tại Bảo tàng gốm sứ xã Kim Lan (huyện Gia Lâm, Hà Nội), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Nghệ nhân - Kỷ lục gia Đào Việt Bình cho tác phẩm Thống Hùng ca Điện Biên và Đĩa gốm tích Cửu Long Ngư quần hội.
Đại biểu tham dự sự kiện - Ảnh: VietKings
Bà Nguyễn Thị Tường Vân - Phó Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố Quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam tại sự kiện (ảnh: VietKings)
Ts.Thang Văn Phúc - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Ts. Ngô Quang Xuân - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Gia dụng VN, Phó CT TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao tặng bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Nghệ nhân Đào Việt Bình (ảnh: VietKings)
Lãnh đạo TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chụp ảnh lưu niệm bên các tác phẩm đạt Kỷ lục (ảnh: VietKings)
Cần mẫn giữ gìn, bảo tồn vốn cổ của làng nghề nghìn năm tuổi, Nghệ nhân - Kỷ lục gia Đào Việt Bình đã không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, kỹ thuật hiện đại nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm của làng nghề gốm Kim Lan. Bên cạnh việc tiếp nối truyền thống, tinh hoa làng nghề, Nghệ nhân - Kỷ lục gia Đào Việt Bình cũng là người là người có nhiều đóng góp trong việc tìm tòi những nguyên liệu mới, kỹ thuật hiện đại áp dụng trong quy trình làm gốm tại địa phương.
Cũng trong sự kiện, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao bằng xác lập đến Nghệ nhân Nguyễn Đức Tuấn với tác phẩm Chóe lục giác Hồn Việt. Một sản phẩm độc đáo của nghề gốm cổ truyền Kim Lan.