Tác phẩm "Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển": Quyển thơ viết bằng Thư pháp chữ Việt lớn nhất thế giới

29-06-2022

(KỶ LỤC-VIETKINGS) Tháng 6/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức xác lập Kỷ lục Việt Nam cho Quyển thơ “Nguyễn Đình Chiểu Thi tuyển” do Kỷ lục gia, Nhà thư pháp Vũ Đăng Học thực hiện. Quyển thơ sau khi thực hiện được tác giả trao tặng lại cho tỉnh Bến Tre. Hồ sơ cũng đồng thời được VietKings phối hợp đề cử xác lập Kỷ lục Thế giới thành công đến Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) với tiêu chí Quyển thơ “Nguyễn Đình Chiểu Thi Tuyển” viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất thế giới để trao tặng đến Kỷ lục gia, Nhà thư pháp Vũ Đăng Học và Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre.

VỀ DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (1822-1888)

Nguyễn Đình Chiểu hay còn được gọi là Cụ Đồ Chiểu, tự là Mạch Trạch, Hiệu Trọng Phủ Hối Trai là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Ông sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) và mất năm 1888 tại Ba Tri (Bến Tre). Cha là Cụ Nguyễn Đình Huy, một thư lại ở Văn hàn ty thuộc dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt của triều đình nhà Nguyễn. Mẹ là Cụ bà Trương Thị Thiệt người tỉnh Gia Định.

 

 

Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

 

Nguyễn Đình Chiểu đã sống một cuộc đời trọn đạo nghĩa, trong biến loạn vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Cụ không chỉ là người con hiếu đạo, mà còn là người thầy giáo tâm huyết, một thầy thuốc mẫu mực, là nhà thơ yêu nước điển hình, có quan niệm văn chương nhất quán, dùng văn chương để chuyển tải chủ nghĩa anh hùng, vì lý tưởng và chiến đấu cho chính nghĩa. Sự rạch ròi, tính công bằng, luôn đứng về lẽ phải, ca ngợi, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người yếu thế đã thể hiện tấm lòng thương dân, yêu nước của ông. Tác phẩm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới khiến cho tiếng tăm của nhà thơ được biết đến trong giới yêu văn chương từ hàng trăm năm nay. Đến nay, phẩm chất, triết lý sống cao đẹp và tác phẩm của cụ Đồ Chiểu vẫn có sức sống mãnh liệt, bền bỉ trong nhân dân Việt Nam và ngày càng vươn xa chinh phục bạn bè quốc tế. Cụ là tượng đài để lại di sản quý báu mà thế hệ hôm nay không ngừng gìn giữ và phát huy. Các tác phẩm chính của Cụ Đồ Chiểu đều được sáng tác bằng chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là Tập thơ “Lục Vân Tiên”. Đây là tác phẩm rất ý nghĩa và đặc sắc mang đến cho người đọc biết bao bài học thấm thía về đạo lí, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ngoài ra Cụ còn sáng tác một số tác phẩm phản ánh chân thực về thời kỳ đau thương của đất nước và tố cáo tội ác kẻ thù như: Chạy giặc, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,...

Vào ngày 23/11/2021, tại Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua danh sách các Danh nhân Văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất. Tại kỳ họp này, 60 hồ sơ đề cử Danh nhân Văn hóa Thế giới của các nước đã được thông qua, trong đó Việt Nam có Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và Nữ sĩ Hồ Xuân Hương.

THÔNG SỐ QUYỂN SÁCH THƯ PHÁP KỶ LỤC

 

 

Tác phẩm mang tên “Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển” do Kỷ lục gia, Nhà thư pháp Vũ Đăng Học thực hiện trong thời gian hơn 5 tháng (từ tháng 1/2022 – tháng 5/2022).

 

Quyển sách dày 209 trang, được tác giả chế tác thủ công trên nền giấy xuyến chỉ, viết thư pháp chữ Việt. Sách hoàn thiện với kích thước 180cm x 140cm x 25cm, nặng khoảng 500kg. Sách được đóng trong vỏ hộp gỗ sồi phối gỗ gõ đỏ, bìa chạm nổi chân dung cụ Đồ Chiểu, chân đế đỡ bằng sắt. Nội dung sách gồm hai phần chính:

  • Nguyễn Đình Chiểu danh tác (các tác phẩm của cụ Đồ Chiểu)
  • Ngưỡng vọng Nguyễn Đình Chiểu (tuyển tập thơ của các thế hệ sau viết về Nguyễn Đình Chiểu).

 

 

 

Đồng thời, sách kèm theo 9 trang tranh trang trí gồm: Bức thư pháp chữ Đạo được điêu khắc nổi, dát vàng; biểu tượng cảm hứng từ 2 câu thơ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”…

 

 

Công trình được tác giả hoàn thiện đúng dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

 

Nguyễn Đình Chiểu thi tuyển được đánh giá là một công trình đồ sộ, mang tâm huyết của Kỷ lục gia, Nhà thư pháp Vũ Đăng Học. Bởi để viết thư pháp trên giấy xuyến chỉ, khổ lớn đòi hỏi người viết có bút pháp tốt, độ nhạy cảm mỹ thuật cao mới có thể trình bày nội dung cân đối, đẹp và ý nghĩa. Cuốn sách sau đó được Tỉnh Bến Tre trân trọng tiếp nhận và hiện được trưng bày tại Thư viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre để đông đảo người dân và du khách được tham quan. Bên cạnh đó, Tỉnh Bến Tre đã giao cho các đơn vị phụ trách chuyên môn hoàn chỉnh thêm các chi tiết để trưng bày, triển lãm và kết hợp công nghệ số; đồng thời có các biện pháp lưu trữ, bảo quản tốt, qua đó gìn giữ, phát huy giá trị của tác phẩm, tạo lan tỏa tính nhân văn cao đẹp trong tác phẩm cụ Đồ Chiểu.

VỀ TÁC GIẢ THỰC HIỆN

 

 

Nhà thư pháp, Kỷ lục gia Vũ Đăng Học (còn được gọi là Gobi Vũ) là một cái tên nổi bật trong làng thư pháp Việt Nam. Anh từng xác lập Kỷ lục Việt Nam với tác phẩm “Cái nhìn” - Cuốn sách thơ thư họa lớn nhất vào năm 2008 khi mới 26 tuổi. Tập thơ do chính anh sáng tác và viết thư pháp.

Theo kế hoạch năm 2022, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức nhiều hoạt động gắn liền với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu như Hội thảo Khoa học Quốc tế Nguyễn Đình Chiểu; Trưng bày thực tế và thực tế ảo cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Chiểu; Lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh cụ Đồ Chiểu...

--------------

Sự kiện công bố Kỷ lục Việt Nam và Thế giới dự kiến diễn ra vào ngày 1.7.2022, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (01.7.1822 - 01.7.2022). Dịp này, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) sẽ ủy quyền cho Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) tham dự và trao tặng Kỷ lục Thế giới đến các cá nhân, đơn vị liên quan tại Việt Nam.


Theo Quỳnh Ngọc - kyluc.vn


 

content1
content2