Vân Đồn - Thương cảng sầm uất của nước Đại Việt
Lịch sử hình thành thương cảng Vân Đồn được Đại Việt Sử ký toàn thư ghi rất ngắn gọn: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149), mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương”. Cái tên Vân Đồn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam bắt đầu từ ấy. Theo dòng chảy thời gian và những tác động của lịch sử, thương cảng Vân Đồn phát triển cực thịnh vào thế kỷ 13-16, sang thế kỷ 17, 18 thì giảm dần vai trò sau khi các điểm giao thương chuyển sâu vào nội địa.
Trang Vân Đồn (hay còn gọi là làng Vân) vốn là tên gọi cổ xưa của xã Quan Lạn ngày nay, thuộc huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh và tính đến nay cũng đã có gần 900 năm tồn tại và phát triển.
Trong quá trình hình thành và phát triển, thương cảng Vân Đồn xưa là một hệ thống bao gồm các bến thuyền thương mại trên nhiều đảo quây quần trong vùng vịnh Bái Tử Long, phạm vi khoảng 200km2. Các địa danh: Bến Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cống Hẹp, Cống Đông, Gạo Rang, Vạn Ninh... vẫn còn lưu danh về một thời giao thương buôn bán sầm uất. Trong đó, trung tâm là hai bến Cái Làng và Cống Cái trên đảo Vân Hải. Vị trí chính xác của thương cảng cổ nằm ở vụng Cái Làng thuộc phía Đông Bắc xã đảo Quan Lạn.
Cảnh buôn bán tấp nập tại Thương cảng Vân Đồn xưa
Việc hình thành nhiều bến thuyền có ý kiến cho rằng nhằm san bớt lưu lượng tàu thuyền vào các bến, không tập trung quá đông vào một bến thuyền, đồng thời quy định cụ thể nơi đỗ của tàu thuyền ngoại quốc và tàu thuyền trong nước, tránh đỗ xen kẽ để dễ bề quản lý. Hàng hoá trao đổi ở cảng Vân Đồn thời đó, chủ yếu là hương liệu, ngà voi, sừng tê, ngọc trai, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu và đồ gốm sứ. Tại các bến thuyền cổ trên đảo Quan Lạn, Cống Đông, các lớp gốm, sứ là các đồ vỡ thương nhân xưa vứt xuống ken dày, có nơi tới gần 1m.
Hiện nay ở Cái Làng vẫn còn sót lại vô số mảnh sành sứ. Ảnh: Minh Cương.
Trong suốt 7 thế kỷ, đây là thương cảng sầm uất nhất Việt Nam, nơi tàu buôn hàng chục nước châu Á, châu Âu vào trao đổi hàng hóa. Vân Đồn trở thành thương cảng thịnh vượng, trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á từ thế kỷ XII đến XVIII, với sự tham gia của các thương nhân đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan… Trong đó, thời điểm thịnh vượng nhất của cảng Vân Đồn là vào khoảng thế kỷ XIII-XVI.
Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ Việt Nam và Nhật Bản đã về thương cảng Vân Đồn cho thấy, thương cảng này đóng vai trò rất quan trọng trong hành trình của “Con đường tơ lụa” từ Đông Bắc Á sang Trung Đông và Châu Âu.
Tuy nhiên, kể từ khoảng thế kỷ XVII, XVIII thì các hoạt động trên thương cảng bắt đầu giảm dần. Kinh tế dần chuyển vào phát triển nội địa cùng với các cảng thương mại mới được hình thành vào thời điểm này.
Năm 2003, khu di tích thương cảng Vân Đồn được xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.
Đến nay, Vân Đồn đã và đang trở thành khu kinh tế ven biển khác biệt với 14 khu kinh tế ven biển khác của cả nước. Đây là vùng nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt-Trung; hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa ASEAN - Trung Quốc.
Thương cảng Vân Đồn - TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Thương cảng đầu tiên của Việt Nam"
Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của thương cảng Vân Đồn, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử thương cảng Vân Đồn vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Thương cảng đầu tiên của Việt Nam". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng.
Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương.
Mọi thông tin xin gửi về:
Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.
Email:
Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555