TOP 100 kỷ lục bất biến Việt Nam (P.64): Nhà thờ chánh tòa Kon Tum (tỉnh Kon Tum) - Công trình kiến trúc bằng gỗ phong cách Basilica duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam

16-08-2022

(kyluc - top) - Nhà thờ gỗ Chính tòa Kon Tum tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum là một công trình kiến trúc tôn giáo rất độc đáo với tuổi đời lên đến hàng thế kỷ, là niềm tự hào bao đời nay của người dân địa phương. Trải qua bao thiên biến lịch sử, Nhà thờ gỗ Kon Tum trở thành kiệt tác kiến trúc gỗ mang phong cách Basilica gần như duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

 

"Báu vật" trăm tuổi giữa đại ngàn

Từ giữa thế kỉ 19, theo bước chân của các nhà truyền giáo phương Tây, đạo Công giáo bắt đầu có mặt ở Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum. Thuở sơ khai, các cơ sở thờ tự ở xứ này đa phần đều có quy mô nhỏ, được làm bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá... Mãi về sau, khi giáo dân đông lên người ta mới tính tới chuyện xây cất những ngôi nhà thờ lớn, trong đó có nhà thờ gỗ Kon Tum. Theo các nguồn sử liệu, nhà thờ gỗ Kon Tum được linh mục Joseph Décrouille, phụ trách xứ đạo Kon Tum, chủ trì khởi công vào trung tuần tháng 3 năm 1913 và hoàn hành vào đầu năm 1918. Quá trình xây dựng nhà thờ trải qua nhiều gian nan vất vả, thậm chí có lúc bị đình trệ do đúng vào thời điểm Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra. Trước đó người ta cũng đã phải mất tới 3 năm để chuẩn bị, bắt đầu bằng việc thuê thợ giỏi vào rừng đốn gỗ rồi dùng voi kéo về, sau lại cho người về xuôi đến các vùng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,.. tìm thợ giỏi lên để xây dựng.

 

 

Về mặt tổng quan, nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà sàn của người Bahnar bản địa, được coi là đỉnh cao của sự kết hợp giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Đây là công trình kiệt tác bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn lại ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Nhà thờ Kon Tum được thiết kế với chiều dài 47m, rộng 15m, cao 12m, với 2 cánh hai bên, mỗi bên dài 8m, tháp chuông cao 24m. Sảnh nhà thờ cách mặt đất 0,8m. Kiến trúc với mái dốc 2 tầng, lợp ngói vảy, chân cột gỗ lớn. Nội thất, cột, hoa văn, vòng cung trên mũi kiểu gothic. Nhà thờ toạ lạc trên tổng diện tích là 703,8 m2, toàn bộ nhà thờ là một công trình khép kín với bố cục hài hòa bao gồm: Giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày, nhà rông, cô nhi viện, cơ sở mộc, cơ sở may, dệt thổ cẩm.

 

 

Nhìn bên ngoài, công trình là một khối nhà cao lớn uy nghiêm nổi bật với gam màu sẫm đen vì thời gian của gỗ và ngói. Mặt tiền nhà thờ có một tháp chuông 4 tầng cao 24m nằm chính giữa tạo sự hài hòa, cân đối cho toàn bộ công trình. Hành lang hai cánh rộng và dài, các mái nhô cao và dốc như kiểu mái nhà rông của người Ba Na được đỡ chắc chắn bằng hàng cột gỗ tròn.

 

 

 

Công trình nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít và các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm. Phía trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết với nhau bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ. Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, những khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi thánh đường. Ngoài kiểu cách trang trí như các nhà thờ Thiên Chúa giáo khác, ở đây còn trang trí những đồ vật do người dân tộc ít người làm như những dây sôl, lòng treo... mang nhiều màu sắc rực rỡ. Các tấm màn và khăn trải bàn là những tấm vải thổ cẩm được dệt bởi những tín đồ người dân tộc. 

 

 

 

 

Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được cái khí chất của đồng bào bản địa Tây Nguyên. 

 

 


Trải qua hơn 100 năm mưa gió dãi dầu, nhà thờ gỗ Kon Tum vẫn vững bền với thời gian và dường như ngày càng đẹp hơn bởi vẻ cổ kính và lộng lẫy hiếm có của mình. Ngày nay, đến với phố núi Kon Tum, thăm nhà thờ gỗ Kon Tum, du khách không chỉ được biết thêm về lịch sử của nhà thờ chánh tòa Giáo phận Kon Tum, một trong 27 giáo phận Công giáo Roma tại Việt Nam, và là giáo phận lâu đời nhất vùng Tây Nguyên, mà còn được chiêm ngưỡng một trong những kiệt tác bằng gỗ về công trình kiến trúc Công giáo ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.
 

Nhà thờ chánh tòa Kon Tum  - TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Công trình kiến trúc bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn tại tồn tại ở Việt Nam​

 

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của nhà thờ chán tòa Kon Tum, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử nhà thờ chánh tòa Kon Tum vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Công trình kiến trúc bằng gỗ mang phong cách Basilica duy nhất còn tại tồn tại ở Việt Nam". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng. 

Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương. 

Mọi thông tin xin gửi về:

Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.

Email: 

Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555 


Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings)


 

content1
content2