TOP 100 kỷ lục bất biến Việt Nam (P.66): Làng cổ Đông Sơn (Thanh Hóa) - Nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ của nền văn minh Đông Sơn

17-08-2022

(kyluc - top) - Làng cổ Đông Sơn nằm bên bờ sông Mã, thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa, là nơi đã phát hiện dấu vết của văn hoá đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1924. Địa danh này đã được đặt tên cho một nền văn hoá tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam thời kỳ dựng nước.

 

Làng cổ Đông Sơn - Cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn

 

Làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa) nằm giữa vùng đồng bằng hữu ngạn hạ lưu sông Mã. Nép mình trong “chín mươi chín ngọn bên Đông”, làng cổ này vẫn ít nhiều mang dáng dấp của làng Việt cổ yên bình, với cây đa, giếng nước, sân đình, cùng nhiều danh thắng, di tích trầm mặc. Nhưng cũng chính ngôi làng nhỏ ấy lại là nơi phát tích di chỉ văn hóa Đông Sơn từng làm kinh ngạc giới khảo cổ trong và ngoài nước.

Câu chuyện về việc phát hiện ra di chỉ này cũng thật tình cờ. Vào khoảng năm 1924, một người dân làng Đông Sơn ra sông Mã câu cá đã ngẫu nhiên tìm thấy một số đồ đồng “ngoi” ra khỏi lòng đất sau trận mưa lớn. Những đồ đồng này được đem bán cho L.Pajot, một viên chức thuế quan Pháp. Sự việc sau đó được báo lên Trường Viễn đông Bác Cổ và Pajot được ủy nhiệm tiến hành “khai quật” di tích Đông Sơn. Qua các cuộc khai quật, người ta đã tìm thấy 489 hiện vật bằng đồng. Các hiện vật này sau khi được công bố đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả nghiên cứu về Đông Nam Á. Đặc biệt, năm 1934, trong một bài nghiên cứu về đồ đồng ở Đông Nam Á, nhà khảo cổ học người Áo Heine - Geldern đã đề nghị gọi tên nền văn hóa đồ đồng này là “Văn hóa Đông Sơn”.

Từ đó đến nay, di chỉ khảo cổ Đông Sơn luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới khảo cổ học, sử học. Qua các đợt khai quật, người ta đã thu được số lượng di vật đồ sộ, phong phú, gồm có công cụ sản xuất (lưỡi cày, liềm, đục, rìu...); vũ khí (dao găm, đoản kiếm, mũi tên...); đồ đựng (nồi, bình, chậu...); đồ trang sức (khuyên, vòng, chuỗi hạt...); các đồ vật khác (tượng, chuông, trống...). Trong nhiều di vật được tìm thấy, trống đồng là vật giàu giá trị bậc nhất. 

 

 

Từ những loại hình di tích được tìm thấy, nhiều người cho rằng, đã có một cuộc sống phong phú cả về vật chất và tinh thần của cư dân Thanh Hóa thời kỳ Đông Sơn. Trong đó, Giáo sư sử học Phạm Huy Thông đã đưa ra nhận định hết sức quan trọng rằng: “Người Việt cổ đại đã có thời làm chủ một cuộc sống huy hoàng với văn hóa Đông Sơn, với các Vua Hùng. Di tích Đông Sơn bên bờ sông Mã chứng tỏ tài năng xuất chúng về phát minh và đúc trống đồng văn minh hơn châu Âu ngang thời của người Việt cổ”. Đặc biệt, sự tập trung các “làng cổ Đông Sơn” quanh vùng đất Ngã Ba Đầu, với các làng nghề nổi tiếng (làng gốm, làng chế tác đồ trang sức bằng đá quý, đến làng dệt, lò luyện kim, đúc trống đồng, binh khí, công cụ sản xuất) và những cảng sông tấp nập, đã biến vùng đất ngã Ba Đầu đến ngã Ba Bông trở thành một trung tâm giao thương, mang dáng dấp của một đô thị cổ, trên trục giao thông đường thủy, nối liền vùng sông Hồng với sông Mã, sông Lam.

 

 

Tài liệu từ các cuộc điều tra, thám sát, khai quật hàng loạt di tích Đông Sơn ở Thanh Hóa và di chỉ khảo cổ Đông Sơn (làng Đông Sơn), đã khẳng định tầm vóc và vị thế của văn hóa Đông Sơn không chỉ ở Việt Nam, mà thậm chí là cả khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, những di tích, hiện vật được tìm thấy là những tư liệu văn hóa vật chất cần thiết, phản ánh quá trình diễn biến văn hóa, giữa văn hóa Đông Sơn bản địa và văn hóa ngoại lai; cũng như quá trình đấu tranh giữ gìn bản sắc văn hóa Đông Sơn chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa của kẻ thù trong đêm dài Bắc thuộc. 

 

Làng cổ Đông Sơn  - TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ của nền văn minh Đông Sơn 

 

Chính bởi những giá trị đặc biệt đó của làng cổ Đông Sơn, Trung tâm TOP Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã quyết định đề cử làng cổ Đông Sơn vào TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022: "Nơi đầu tiên tìm thấy những di chỉ của nền văn minh Đông Sơn". Đây là hành trình tìm kiếm và đề cử Top 100 Kỷ lục Việt Nam không thể thay thế được, từ đó góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như các giá trị của từng địa phương nói riêng. 

Hành trình sẽ kéo dài đến cuối năm 2022 và kết thúc bằng sự kiện Hội ngộ Top Việt Nam lần thứ I, tại sự kiện này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings, Trung tâm TOP Việt Nam sẽ trao chứng nhận Top 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022 đến các địa phương. 

Mọi thông tin xin gửi về:

Ban quản lý Hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP 100 Kỷ lục bất biến Việt Nam 2022.

Email: 

Ms Diệu Phi (Quản lý hành trình) - 0333108555 


Trung tâm Top Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings)


 

content1
content2