Cúng Tất niên là dịp để cả gia đình quây quần bên mâm cơm ngon, sẻ chia những câu chuyện vui buồn đã xảy ra trong năm và cầu chúc cho một năm mới sắp đến. Nhịp sống hiện đại không làm mất đi nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đặc biệt là trong đời sống tinh thần. Lễ cúng Tất niên là phong tục quen thuộc của mỗi gia đình vào dịp cuối năm. Tầm quan trọng của cúng Tất niên không chỉ thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp sau một năm bận rộn.
Cúng Tất niên là nghi lễ kết thúc một năm cũ và chuẩn bị cho một năm mới sắp đến. (Ảnh: Internet)
Bữa cơm ngày cuối năm được làm thịnh soạn hơn ngày thường. Tùy từng vùng miền mà có những đặc trưng riêng, như miền Bắc hay có canh móng giò hầm măng, miến lòng gà, xôi, bánh chưng, nem, giò lụa, giò xào, ...; miền Trung hay có bánh chưng, bánh tét, giò lụa, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua, ...; miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò, ...
(Ảnh: Internet)
Mâm cúng được bày biện một cách gọn gàng trên bàn thờ tổ tiên. Mỗi gia đình bày trí mâm lễ cúng một khác, tuy vậy cỗ cúng (mặn hay chay) nên đặt ở dưới cái bàn con bên dưới. Trên bàn thờ chính chỉ để hoa tươi, quả tươi, một ít tiền vàng mã mang tính tượng trưng. Cũng có thể đặt bánh chưng, xôi, chè trên bàn thờ chính. Không nên cắm "cành vàng lá ngọc" (hàng mã) lên bàn thờ vì có chứa nhiều trường khí âm bất lợi. Gia chủ sẽ thắp hương và đọc văn khấn. Sau khi hương tàn thì cả gia đình có thể dùng bữa.
(Ảnh: Internet)
Trong bữa cơm tất niên, các thành viên nên có mặt đông đủ, nói những chuyện vui trong năm hay những dự định năm mới, động viên nhau vươn lên, nỗ lực hơn, tạo một bầu không khí đầm ấm, hòa thuận.