[WOWTIMES: Niên lịch & Thành tựu Việt Nam 2022] Khách sạn Continental - Những dấu ấn tự hào trong 142 năm tạo dựng thương hiệu Khách sạn lâu đời nhất tại Việt Nam

29-06-2022

(KỶ LỤC - VIETKINGS) Hotel Continental Saigon (tên tiếng Việt là Khách sạn Hoàn Cầu) là được ghi nhận Kỷ lục năm 2005 là Khách sạn có lịch sử lâu đời nhất. Hiện nay, với lịch sử 142 năm hình thành và phát triển, Continental được xem là chứng nhân lịch sử, lưu giữ nhiều dấu chân của những tên tuổi, con người nổi tiếng thế giới.

Cùng thời gian này, nhiều công trình khác như Nhà thờ Đức Bà (xây dựng 1877 – 1880); Bưu điện thành phố (1886-1891); Nhà hát Lớn (1898 – 1900)… cũng dần mọc lên quanh khu vực Continental, tất cả góp phần tạo nên một diện mạo hoa lệ của Hòn Ngọc Viễn Đông mang tên Sài Gòn.

 

HÀNH TRÌNH 142 NĂM ĐẦY TỰ HÀO

 

Tọa lạc trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), một trong những con đường lâu đời, nhộn nhịp nhất Sài Gòn xưa, Continental tự hào trở thành khách sạn cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

 

  • Năm 1878, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và đồ dùng trang trí người Pháp, ông Pierre Cazeau, đã khởi công xây dựng "Hotel Continental" làm nơi lưu trú sang trọng theo đúng phong cách châu Âu cho người Pháp khi vượt hàng ngàn hải lý đến Việt Nam.
  • Sau 2 năm xây dựng, năm 1880, "Hotel Continental" chính thức đi vào hoạt động. Từ đây, lịch sử ngành du lịch Việt Nam ghi nhận Continental là khách sạn sang trọng đầu tiên.
  • Đến năm 1911, Continental được sang nhượng lại cho Công tước Montpensier và sang năm 1930, chủ nhân mới là Mathier Francini đã điều hành Continental tới năm 1975.
  • Khách sạn này không ít lần bị thay đổi tên. Trong thập kỷ 1960-1970, dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tất cả các khách sạn phải lấy tên tiếng Việt, nên khi ấy nơi đây được đổi thành “Đại Lục lữ quán”. 

 

 

Khách sạn lúc mang tên “Đại Lục lữ quán”

 

  • Năm 1976, sau một năm đóng cửa, khách sạn được công ty Cung ứng Tàu biển quản lý và đặt tên là Hải Âu.
  • Năm 1986, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn nâng cấp khách sạn và cái tên Continental Sài Gòn được khôi phục như ngày nay.

 

 

 

 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tên tuổi Continental gắn liền với dòng chảy của thành phố và là nơi lưu giữ bước chân của những con người nổi tiếng

 

Tiếng tăm của khách sạn Continental không phải nằm ở các chủ nhân của nó mà nằm ở chính bề dày năm tháng trong dòng chảy lịch sử Sài Gòn.

  • Khách sạn từng đón nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore - người đạt Giải thưởng Nobel Văn học năm 1913; nhà văn Andre Malraux - tác giả tiểu thuyết "Số phận con người", đạt giải Văn học Prix Goncourt năm 1933… Đặc biệt, nhà văn người Anh Graham Greene, vị khách thường xuyên ngụ tại phòng 214 - tác giả tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng", cũng là vị khách danh dự của Continental, đã giúp khách sạn giữ vị trí đáng kể trong quá trình sáng tác và ghi hình khi tiểu thuyết được chuyển thể thành phim.

 

 

Căn phòng 307, nơi Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn thường lui tới và lưu trú một thời gian khá lâu. Tác phẩm điêu khắc tướng Phạm Xuân Ẩn do điêu khắc gia Lê Lang Biên thực hiện

 

Bên trong Phòng 214, nơi nhà văn người Anh Graham Greene, tác giả tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng" lui tới. Toàn bộ tác phẩm gần như được sáng tác tại đây.

 

  • Bên cạnh đó, Continental cũng hiện diện trong nhiều cảnh quay chính của bộ phim "Đông Dương" - bộ phim đoạt 2 giải Oscar và Quả cầu vàng.
  • Năm 2002, vẻ đẹp lộng lẫy theo thời gian của khách sạn Continental Sài Gòn một lần nữa tỏa sáng trong bộ phim Người Mỹ trầm lặng do Phillip Noyce làm đạo diễn.
  • Ngoài ra, Continental từng được gọi là "Đài Phát thanh Catinat" vì đây là điểm hẹn quen thuộc của cánh nhà báo, phóng viên săn tin, các chính trị gia và doanh nhân tụ họp, bàn luận chuyện chính trị, làm ăn và thời cuộc. Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn cùng nhiều bạn bè cũng là khách thường xuyên lui tới Continental.
  • Khi lịch sử sang trang, Continental vẫn giữ dáng vẻ uy nghi cổ kính thuở ban đầu và là nơi lưu giữ dấu chân các chính khách nổi tiếng như ngài Jacques Chirac - Thị trưởng Paris, sau này trở thành Tổng thống Pháp; Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed và nhiều chính trị gia khác.

 

 

Khách sạn được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, cao 4 tầng gồm 86 phòng. 142 năm tuổi, khách sạn vẫn giữ được vẻ sang trọng với kiến trúc tường gạch, trần nhà cao và phòng khách rộng rãi.

 

 

Khách sạn Continental là một điểm nhấn trong kiến trúc của thành phố, được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật của TP.Hồ Chí Minh với nhiều nét đặc trưng về thiết kế. Giữa khách sạn là sân trời với 3 cây hoa sứ trồng từ năm 1880 đến nay vẫn trổ hoa xanh tốt. Đây là không gian riêng biệt, góc bình yên ngay giữa lòng thành phố năng động nhộn nhịp, vốn chỉ có ở khách sạn Continental.

Hotel Continental được xây dựng với nhiều nét kiến trúc đặc trưng để giảm thiểu oi bức vào mùa hè của khí hậu nhiệt đới vừa đón nhiều gió trời và ánh sáng tự nhiên, toàn bộ mái ngói và tường xây của công trình bằng gạch nung dày, phòng ngủ và khu vực công cộng rộng rãi, trần cao 4 mét.

 

 

Thiết kế tổng thể của khách sạn trên khuôn viên hình chữ nhật, ở giữa là sân trời có ba cây bông sứ (hoa đại) trồng từ năm 1880 đến nay vẫn trổ hoa xanh tốt; những đặc trưng này tạo nên cảm giác riêng biệt: góc bình yên ngay trong lòng thành phố năng động nhộn nhịp, vốn chỉ có ở Hotel Continental Saigon.

 

 

CONTINENTAL VÀ NHỮNG THÀNH TỰU ĐÁNG NHỚ

-  Kỷ lục Việt Nam Khách sạn xưa nhất Việt Nam năm 2005.

-  Huân chương Lao động hạng Hai do Chủ tịch nước trao tặng.

- Chứng chỉ Khách sạn xanh (2008-2009) theo tiêu chuẩn ASEAN.

- Ngày 28/4/2012, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định số 2210/QĐ-UBND công nhận Hotel Continental Saigon là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật của Thành phố.

Tập thể lao động xuất sắc do UBND TP.HCM trao tặng năm 2013, 2014, 2015, 2016.

- Bằng khen của UBND TP về tham gia tích cực chương trình kích cầu du lịch của TP HCM năm 2015, 2016.

- Bằng khen của UBND TP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 2014, 2015.

- Bằng khen về thành tích thực hiện thành công quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001.

- Được bình chọn "Khách sạn mang ấn tượng Việt Nam" trong chương trình "TP.HCM - 100 điều thú vị" lần I.

 

 

 

Trải qua 142 năm, diện mạo kiến trúc của khách sạn Continental Sài Gòn được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Dù có độ cao khiêm tốn chỉ với một tầng trệt và ba tầng lầu, khách sạn Continental Sài Gòn vẫn nổi bật giữa trung tâm thành phố với mái lợp ngói, tường gạch dày cùng những ô cửa sổ duyên dáng, in đậm phong cách kiến trúc Pháp. Continental đã và đang trở thành chứng nhân lịch sử quan trọng đi cùng sự phát triển của thành phố, một điểm son sáng chói của ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.


Theo Quỳnh Ngọc - kyluc.vn


 

content1
content2